Đại học định hướng đổi mới sáng tạo - Quản trị chiến lược và phát triển thương hiệu
Đó là tên Hội nghị chuyên đề được tổ chức vào ngày 22/7/2020 tại Trường Đại học Vinh với sự tham gia có mặt báo cáo của GS.TS. Nguyễn Hữu Đức - Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Giảng viên cao cấp, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục của Chính phủ.
Tham dự Hội nghị có GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh; GS.TS. Đinh Xuân Khoa - Nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh; ThS. Phạm Quang Huấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Lư; TS. Đoàn Hoài Sơn - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh; TS. Phạm Hữu Truyền - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học SPKT Vinh; ThS. Trương Quang Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Nghệ An; PGS.TS. Lưu Tiến Hưng - Hiệu trưởng Trường CĐSP Nghệ An; ThS. Nguyễn Hữu Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An; ThS. Nguyễn Công Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ KTCN Việt Nam - Hàn Quốc; các đồng chí Thành viên Hội đồng trường, Trưởng các đơn vị của Trường Đại học Vinh.
Đại biểu tham dự Hội nghị
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu khai mạc Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức cho biết: Nhiều trường đại học Việt Nam hiện nay không tạo ra sự đột phá thì khó thực hiện được việc xếp hạng không chỉ trong khu vực, thế giới mà thậm chí cả trong nước. Xếp hạng đại học như là một phương pháp hỗ trợ đo lường và đánh giá chất lượng đại học đã trở nên quen thuộc ở Việt Nam. Đó cũng được xem như là các phương pháp cơ bản để "thăm khám sức khỏe" của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc xếp hạng này thời gian qua chưa có sự đột phá, chỉ có mấy trường đại học nổi lên vươn tầm khu vực và thế giới, còn lại hơn 200 trường đại học khác chưa có động tĩnh, thay đổi nào lớn.
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức
Các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học với vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi khởi phát sáng tạo tri thức mới, là thành tố quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và động lực phát triển kinh tế - xã hội để quan tâm và đầu tư thỏa đáng hơn thì mới có kết quả cao hơn được.
Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng đại học Việt Nam UPM
Bộ tiêu chí UPM (University Performance Metrics) do GS.TS. Nguyễn Hữu Đức trực tiếp phụ trách hệ thống về các tiêu chí và nguyên tắc là một hệ thống đối sánh chất lượng cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam.
Ngoài các tiêu chí cơ bản về đào tạo và nghiên cứu, UPM quan tâm đến cả quản trị chiến lược, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các yếu tố của đại học thông minh và chuyển đổi số, mức độ quốc tế hóa và phát triển bền vững theo tiếp cận kiểm định chất lượng và xếp hạng gắn sao; hỗ trợ đối sánh và nhận diện chất lượng đại học một cách toàn diện.
"Trước khi vận hành một hệ thống đầy đủ với 53 tiêu chí của UPM, chúng tôi đã khởi động xếp hạng 4 chỉ số nghiên cứu vào đầu năm 2020. Cuối tháng 4 năm 2020, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Duy Tân cũng công bố danh sách 50 cơ sở giáo dục đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam 2019" - GS.TS. Nguyễn Hữu Đức cho biết.
Các kết quả xếp hạng bước đầu này của Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của các trường đại học và cả cộng đồng; hỗ trợ các trường đại học nhận diện hiệu quả hoạt động của mình, nhất là đối với các trường đại học được tự chủ và các trường đại học ngoài công lập để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, nâng cao chất lượng đào tạo qua nghiên cứu… và như đã nói ở trên năng suất và chất lượng nghiên cứu của các trường đại học nước ta đã được cải thiện rất nhiều.
Năm nay, UPM sẽ công bố kết quả xếp hạng đối sánh, gắn sao cho các cơ sở giáo dục đại học tự nguyện tham gia, tự nguyện sử dụng Bộ tiêu chỉ UPM để nhận diện và quản trị chiến lược phát triển của trường mình.
UPM không chỉ giúp các trường đại học trong nước đối sánh với nhau một cách toàn diện và còn đang nỗ lực để có sự tham gia của một số trường đại học trong khu vực, từng bước hội nhập quốc tế.
Như thông lệ của các bảng xếp hạng đại học khác, UPM đang có kế hoạch công bố kết quả vào dịp tuyển sinh đại học năm nay, hỗ trợ thêm thông tin để người học có sự lựa chọn thích hợp.
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức giới thiệu Bộ tiêu chí UPM
Xếp hạng hỗ trợ quản trị đại học
Kết quả xếp hạng là một góc chụp trực tiếp uy tín và chất lượng của trường đại học. Trường nào nỗ lực cải tiến các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục (tăng tỉ lệ giảng viên trên sinh viên, tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ), nâng cao năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế, công bố nhiều công trình khoa học có ý nghĩa và ảnh hưởng khoa học cao, có hợp tác quốc tế tốt trong cả đào tạo và nghiên cứu… thì kết quả xếp hạng tốt nó tự đến.
Sự thờ ơ của các các nhà tuyển dụng Việt Nam nên được phân tích theo một góc nhìn khác. Qua việc áp dụng bộ công cụ UPM để đối sánh cho nhiều trường đại học trong khu vực, có thể nhận xét là nhiều trường đại học của họ cùng có các chỉ số đảm bảo chất lượng tương đương của chúng ta, nhưng trường đại học của họ được xếp hạng của QS và THE… cao hơn nhiều. Đó là vì các trường đại học của họ được cộng đồng ở đó quan tâm và tín nhiệm rất cao mà điều này lại chiếm một tỉ trọng rất cao trong điểm xếp hạng. Kết quả khảo sát của các nhà tuyển dụng và các học giả học của họ đạt tỉ lệ rất cao, gần như tuyệt đối (xem kết quả so sánh trong hình). Đó hình như có cả niềm tin và sự tự tôn.
Còn đối với nước ta, kết quả khảo sát thường nhận được kết quả thấp hơn nhiều. Dù còn điểm này, điểm nọ, nhưng có thể đánh giá rằng hơn 90% nguồn nhân lực, các doanh nhân, nhà khoa học, lãnh đạo - những người trực tiếp làm nên sự đổi thay của đất nước hôm nay đều được đào tạo và trưởng thành nhờ các trường đại học ở trong nước cả đấy chứ, đâu phải chủ yếu do nước ngoài đào tạo - GS.TS. Nguyễn Hữu Đức phân tích.
Tại sao chúng ta không nhìn nhận đúng và đánh giá công bằng đối với vai trò của đại học trong nước. Một sự quan tâm như vậy của cộng đồng không những không động viên, khích lệ ngành giáo dục mà còn đưa một hình ảnh không thật đúng lắm về xếp hạng đại học nước nhà ra thế giới.
Toàn cảnh Hội nghị
Các trường đại học cần áp dụng công cụ quản trị chiến lược toàn diện
Để các trường đại học Việt Nam có thể triển khai đồng bộ các yếu tố nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu xã hội, GS.TS Nguyễn Hữu Đức mong muốn các trường đại học phải quản trị tốt và có bộ công cụ để quản trị chiến lược, quản trị mục tiêu và kết quả của mình, không chỉ quan tâm đến xếp hạng một cách phiến diện mà cần quản trị tổng thể toàn bộ các hoạt động của nhà trường.
Những năm gần đây, một số phương pháp đo lường và đánh giá chất lượng đại học đã trở nên quen thuộc ở Việt Nam như xếp hạng đại học và kiểm định chất lượng giáo dục.
Đó được xem như là các phương pháp cơ bản để "thăm khám sức khỏe" của các CSGDĐH. Trong đó, xếp hạng đại học (ranking), tập trung khảo sát khoảng 10-12 tiêu chí, trong đó chỉ số công bố quốc tế chiếm trọng số chủ yếu. Kiểm định chất lượng có tính bao quát cao, quan tâm đến hoạt động đảm bảo chất lượng (quality assurance), đến việc kiểm tra hệ thống và quy trình thực hiện, quản lý và quản trị, xét xem cơ sở giáo dục đại học có đủ điều kiện hoạt động hay không.
Xếp hạng định đoạt thứ hạng trên dưới quá rõ ràng, so sánh trường này với trường khác (Who’s the best). Để khắc phục các hạn chế trên, từ năm 2010 lại đây, một xu hướng xếp hạng khác đã được phát triển và áp dụng. Đó là xếp hạng đối sánh và gắn sao (rating) mà các bảng xếp hạng QS-Stars (Anh quốc) và U-Multirank (Hà Lan và Đức) đang thực hiện.
Trước hết, rating không xếp hạng các trường theo thứ tự. Các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1-5 sao (như xếp hạng khách sạn).
Thứ hai là có rất nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí, có mức độ bao quát như kiểm định chất lượng.
Thứ ba, rating có đặc trưng đối sánh theo các mốc chuẩn, theo chỉ tiêu đặt ra, trên cơ sở đó gắn sao cho từng tiêu chí, nhóm tiêu chí và gắn sao tổng thể. Do vậy xếp hạng đối sánh có thể chỉ ra các điểm mạnh và điểm yếu của một trường đại học (Who’s good at what).
Với tiếp cận như vậy, xếp hạng đối sánh có thể phối hợp với kiểm định chất lượng cung cấp cho các trường đại học một bộ chỉ số cơ bản làm công cụ quản trị chiến lược rất hiệu quả.
Còn đối với cộng đồng, xếp hạng đối sánh cung cấp các thông tin khá trực quan và dễ tiếp cận về mức độ xuất sắc tổng quát và chi tiết đến từng lĩnh vực hoạt động của các trường đại học. Cùng với Kiểm định chất lượng, xếp hạng đối sánh và gắn sao sẽ cung cấp thông tin có mức độ định lượng cao hơn về chất lượng giáo dục đại học.
Bài và ảnh: HN