HIỆN TRẠNG BỆNH VÀ KHÁNG SINH SỬ DỤNG Ở CÁ RÔ PHI
(Oreochromis sp.) NUÔI TẠI HẢI DƯƠNG, BẮC NINH VÀ BẮC GIANG
Tác giả: Trương Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Nguyện, Lê Thị Mây, Trương Thị Thành Vinh, Phan Thị Vân
Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Thái Nguyên
Quyển: 228(05) Trang: 410 - 414
Năm xuất bản: 4/2023
Tóm tắt
Cá rô phi (Oreochromis sp.) là một trong những đối tượng nuôi cá nước ngọt có sản lượng cao, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng như yêu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, nghề nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt dịch bệnh và quản lý kháng sinh trong quá trình nuôi. Mục đích của nghiên cứu này nhằm cung cấp dữ liệu ban đầu về hiện trạng bệnh và thuốc kháng sinh sử dụng tại vùng nuôi cá rô phi ở Hải Dương, Bắc Ninh và Bắc Giang. Phương pháp điều tra phỏng vấn trực tiếp người nuôi theo bộ câu hỏi được áp dụng. Kết quả cho thấy, cá nhiễm bệnh có dấu hiệu điển hình như đục mắt, lồi mắt, khoang bụng tích dịch hay gan thận sưng chuyển màu nâu hoặc đen với tỷ lệ cao (88,9 - 100%) vào thời điểm tháng 5-8 trong năm. Cá bệnh được trị bệnh bằng kháng sinh, nhưng hiệu quả không cao mặc dù liều sử dụng đã được tăng lên 1,5-2 lần so với hướng dẫn ở bao bì và sử dụng liên tục 5-7 ngày cho 1 đợt dùng. Hộ nuôi ở Bắc Giang và Hải Dương sử dụng Amoxicillin phổ biến với tỷ lệ lần lượt tương ứng 77,8 và 28,6%, trong khi đó ở Bắc Ninh người nuôi cá sử dụng kháng sinh kết hợp Doxycycline+ Florfenicol là phổ biến với 55,6%.
Từ khóa
Bệnh cá rô phi; Kháng sinh; Hải Dương; Bắc Ninh; Bắc Giang