Ảnh hưởng của thời vụ ghép cải tạo vải Trứng Hưng Yên trên gốc vải Lai Phù Cừ đến tỷ lệ sống và khả năng sinh trưởng, phát triển sau ghép
Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết, Vũ Việt Hưng, Nguyễn Ngọc Hà, Vương Thị Hoà, Ngô Thị Mai Vi
Tạp chí Khoa học và công nghệ nông nghiệp Việt Nam
Quyển: số 3 (145)/2023 Trang: 31-35
Năm xuất bản: 3/2023
Tóm tắt
Vải Trứng Hưng Yên là giống vải chín sớm, có nguồn gốc tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Giống có nhiều đặc điểm quý nên có hiệu quả kinh tế cao, vì vậy, được chính quyền và người dân ưu tiên mở rộng diện tích trồng. Nhằm xác định được thời vụ thích hợp để ghép cải tạo vải Trứng Hưng Yên trên gốc vải Lai Phù Cừ (giống hiện có diện tích lớn xong hiệu quả kinh tế thấp hơn nhiều so với vải Trứng Hưng Yên), nghiên cứu “Ảnh hưởng của thời vụ ghép cải tạo vải Trứng Hưng Yên trên gốc vải Lai Phù Cừ đến tỷ lệ sống và khả năng sinh trưởng phát triển sau ghép” đã được triển khai. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng trong các công thức thử nghiệm, công thức ghép vụ Xuân thích hợp nhất, cụ thể: tỷ lệ sống đạt 96,44%; cành ghép sinh trưởng mạnh, sau 90 ngày có chiều dài và đường kính lần lượt đạt 60,22 và 1,31 cm; 100% số cây ghép có khả năng ra hoa vào thời điểm 10 tháng sau ghép; tỷ lệ đậu quả đạt 0,23%; năng suất đạt 12,49 kg/cây. So với công thức ghép vụ Xuân, công thức ghép vụ Hè và công thức ghép vụ Thu có tỷ lệ sống sau ghép thấp hơn rõ rệt và thời gian từ khi ghép đến khi cây ra hoa dài hơn.
Từ khóa
Thời vụ, ghép cải tạo, vải Trứng Hưng Yên, vải Lai Phù Cừ