Nghề dạy học ở vùng đất Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An)
từ thế kỉ XV đến đầu thế kỉ XX
Tác giả: Mai Phương Ngọc, Vang Thị Kim Yến
Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn
Quyển: Tập 8, số 1b Trang: 91-99
Năm xuất bản: 12/2022
Tóm tắt
Xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) trong thời kỳ trung đại là một vùng đất hiếu học và khoa bảng. Nơi đây, dạy học là một nghề danh giá trong cộng đồng làng xã. Các ông đồ làng Quỳnh đã đào tạo nên nhiều người đỗ đạt thành danh và góp phần tạo nên hình ảnh “ông đồ xứ Nghệ” nổi tiếng trong lịch sử. Quỳnh Đôi từ lâu được biết đến là “cái rốn đỗ đạt khoa bảng” (Ninh Viết Giao 2008: 337) của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Câu ca “Làng Quỳnh lắm kẻ đăng khoa/Ông Nghè, ông Cử như hoa vườn Quỳnh” phần nào mô tả những thành tựu khoa bảng nơi đây. Ở Quỳnh Đôi, đi học được coi như một “nghề truyền thống” cha truyền con nối của các thế hệ. Tinh thần ham học, khổ học và cần học trở thành nét tiêu biểu của người dân làng Quỳnh. Cũng chính vì lẽ đó, tại Quỳnh Đôi, dạy học đã trở thành một trong những nghề quan trọng của kẻ sĩ. Những thầy đồ Quỳnh Đôi không chỉ dạy học trong làng mà còn đi dạy trên khắp cả nước. Với những giá trị tốt đẹp đó, trong bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu về nghề dạy học ở Quỳnh Đôi từ thế kỉ XV đến đầu thế kỉ XX.
Từ khóa
dạy học; Quỳnh Đôi; nho sĩ.