Năng suất, chất lượng thịt của tổ hợp lai GF399xGF24 ở các khối lượng giết mổ khác nhau
Tác giả: Lê Đình Phùng, Nguyễn Xuân Bả, Hoàng Thị Mai, Lê Đức Thạo, Trần Ngọc Long, Văn Ngọc Phong và Hồ Lê Quỳnh Châu
Tạp Chí Khoa Học Kỹ Thuật Chăn Nuôi
Quyển: 255 Trang: 29-35
Năm xuất bản: 3/2020
Tóm tắt
Tổng số 136 con lợn lai GF399xGF24, lúc 60 ngày tuổi (khối lượng trung bình: 20,96±3,42 kg), tỷ lệ đực:cái là 1:1, được phân ngẫu nhiên vào 12 đơn vị thí nghiệm (3 nghiệm thức-NT x 4 lần lặp lại) nhằm đánh giá năng suất và chất lượng thịt ở 3 mức khối lượng giết mổ (KLGM) 100, 110 và 120 kg. Đơn vị thí nghiệm là nhóm lợn trong một ô chuồng. Lợn được cho ăn tự do theo từng giai đoạn sinh trưởng. Khi lợn ở mỗi NT đạt KLGM dự kiến, lợn được cân để xác định khối lượng (KL) kết thúc và 2 con lợn (1 đực + 1 cái)/đơn vị thí nghiệm có KL gần nhất với KL trung bình của NT được chọn mổ khảo sát để xác định năng suất thân thịt và lấy mẫu để phân tích chất lượng thịt. Kết quả cho thấy, tỷ lệ móc hàm và tỷ lệ thịt xẻ là không sai khác ở các mức KLGM khác nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ nạc giảm từ 63,19 xuống còn 59,59% (P=0,01); DTCT tăng từ 55,38 lên 61,14cm2 (P=0,04) khi KLGM tăng từ 100 lên 120kg; DML có xu hướng tăng khi KLGM tăng nhưng sai khác không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Giá trị pH, tỷ lệ mất nước bảo quản, độ sáng, độ dai của thịt sau giết mổ 24 và 48 giờ và hàm lượng protein và lipid thô trong thịt cơ thăn là không khác nhau giữa các mức KLGM khác nhau. Sau giết mổ 24 và 48 giờ, tỷ lệ mất nước chế biến của thịt cơ thăn giảm, độ đỏ và độ vàng của thịt tăng khi KLGM tăng. Có thể áp dụng tăng KLGM của tổ hợp lai GF399xGF24 lên 120kg trong chăn nuôi công nghiệp.
Từ khóa
Khối lượng giết mổ, GF399, năng suất thịt, chất lượng thịt