Bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành theo Hiến pháp năm 2013
Tác giả: Nguyễn Thị Phương Thảo
Quyền con người, qua 5 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013
Quyển: 1 Trang: 37
Năm xuất bản: 1/2019
Tóm tắt
Quyền con người được sống trong môi trường trong lành được chính thức ghi nhận tại Điều 43 Hiến pháp năm 2013 từ thực tiễn môi trường và hệ sinh thái xuống cấp nghiêm trọng trong bối cảnh đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Suy thoái và ô nhiễm môi trường diễn ra trên nhiều địa phương đe doạ đến sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng, đe doạ quyền con người. Đây là một quyền mới được thừa nhận trong Hiến pháp, trở thành nguyên tắc quan trọng trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Trải qua gần 5 năm thực hiện Hiến pháp, việc đảm bảo quyền con người sống trong môi trường trong lành trên thực tế đạt được những thành tựu nhất định như ban hành nhiều văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý đảm bảo quyền con người, trong đó văn bản quan trọng nhất là pháp luật môi trường; nhận thức về bảo vệ môi trường đã được nâng cao; công tác quản lý về môi trường ngày càng được coi trọng; kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường đã được quan tâm;... Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đạt được thì trên thực tiễn, việc đảm bảo quyền con người được sống trong môi trường trong lành cũng gặp không ít khó khăn như một số quy định pháp luật còn hạn chế, bất cập, chưa phát huy được tính hiệu quả, khả thi,... Trên cơ sở phân tích những thuận lợi và khó khăn, hạn chế của thực tiễn bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả quyền này trên thực tế.
Từ khóa
Môi trường trong lành, bảo đảm quyền, Hiến pháp năm 2013.